Trang chủ » Tin tức & Sự kiện » Tìm hiểu làng quê Cẩm Thanh

Tìm hiểu làng quê Cẩm Thanh

Xã Cẩm Thanh, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nằm cách phía Đông của trung tâm Khu phố cổ Hội An khoảng 4km, tiếp giáp với cửa biển – Cửa Đại, cách về phía Tây – Nam của cụm đảo Cù Lao Chàm 17km.


Một góc xóm làng – Ảnh: Hồng Việt

Thật hiếm có một làng quê nào mà sắc cảnh, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hiền hòa, quyến rũ như nơi đây. Đó là một làng quê vệ tinh gắn bó, hợp thành quần thể Đô thị thương cảng Hội An trong lịch sử và Khu di sản văn hóa thế giới hôm nay. Đến Cẩm Thanh ta sẽ cảm nhận như đang được đi vào thăm quan một bảo tàng Sinh thái – nhân học, nghĩa là nơi thiên nhiên và cảnh sống con người vượt qua bao sự khắc nghiệt của tự nhiên, chiến tranh và cả đô thị hóa vẫn luôn hòa quyện, sống thanh bình, êm ái, cùng sinh tồn và phát triển. Từ góc nhìn sinh thái, Cẩm Thanh với diện tích gần 900ha mà diện tích mặt nước chiếm đến non nửa (348,69ha). Bốn bề nơi đây là sông, Bắc giáp phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, Tây giáp phường Cẩm Châu bởi sông Cổ Cò, Nam giáp xã Duy Xuyên bởi hạ lưu sông Thu Bồn, Đông giáp Cửa Đại. Sông Đình và sông Đò nối sông Thu Bồn và sông Ba Chươm theo hướng Tây Nam chia cắt Cẩm Thanh thành nhiều mảnh nhỏ tạo nên hệ thống kênh rạch chằng chịt, với nhiều cồn/gò rất nên thơ như: Thuận Tình (Cồn Kiện), Cồn Ông Hơi, Cồn Tiến, Cồn Ba Xã, Gò Hí, Gò Già…

Hệ thống sông rạch ở đây chỗ rộng chỗ hẹp, nơi cạn nơi sâu, quanh co uốn lượn qua các cánh đồng, bãi bồi, xóm làng. Ôm sát hai bên bờ là dừa nước mọc thành rừng quanh năm xanh tốt, vừa tạo nên phong cảnh hữu tình, nên thơ, nhưng trông cũng thật hiểm trở và khí phách oai nghiêm khi tham gia cùng con người trong những năm tháng bám trụ, giữ làng, giữ đất chống xâm lăng. Do nằm sát cửa biển – Cửa Đại, lại là vùng hội lưu của 3 nguồn sông lớn của Xứ Quảng (Thu Bồn, Vu/Ô Gia, Chiên Đàn/Trường Giang) và Sông Cổ Cò/Để Võng/Lộ Cảnh Giang nên nơi đây có vùng sinh thái khá đặc biệt – Đó là vùng ngập mặn cửa sông ven biển,… với các hệ sinh thái điển hình của vùng nhiệt đới như rừng ngập mặn và cỏ biển.

Quan trọng nhất là các dãy cây dừa nước, dọc bờ kênh rạch, một sinh cảnh rất đặc biệt ở Hội An, miền Trung Việt Nam, chúng ta chỉ có thể tìm gặp sinh cảnh này ở miền Tây Nam bộ. Trên các cồn gò và các vực nước chung quanh các dãy dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống còn có hệ sinh thái cỏ biển (seagrass ecosystem) một hệ sinh thái đặc thù trong vùng đất ngập nước, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm, với những loài thực vật bậc cao, quanh năm sống chìm trong môi trường nước luôn có dòng chảy, sóng gió, bởi nhờ hệ thống thân ngầm vùi sâu trong trầm tích. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này đã được chứng minh là quan trọng đối với môi trường trong vai trò điều hoà khí hậu, chống xói lở, gia tăng trầm tích, kết chặt trầm tích và hoạt động như một máy lọc sinh học, nâng cao chất lượng môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Đó là chưa kể lá và mùn bã hữu cơ do chúng tạo ra là nguồn thức ăn không thể thiếu cho các loài hải sản về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loại tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi, ẩn nấp của ấu thể nhiều loại hải sản và các loài cá kinh tế như cá Mú, cá Dìa. Có thể nói, kênh rạch và các dãy dừa nước xanh cùng hệ sinh thái nơi đây đã tạo ra một phần vẻ quyến rũ đối với du khách khi thăm quan vùng đất này.


Rừng dừa bảy mẫu – Ảnh Hồng Việt

Về lịch sử, mảnh đất này từ xa xưa đã là cửa ngõ tiền tiêu quan trọng của người Chàm trước khi vào cửa biển tiến sâu vào đất liền, hay nói một cách khác từ biển Đông vào cửa Đại Chiêm (Đại Chiêm tấn) trước hết phải qua mảnh đất Thanh Châu rồi ngược theo dòng sông tiến vào các trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị nằm sâu trong đất liền[1]. Qua nhiều nguồn tư liệu cho biết, nguyên xưa kia vùng đất này – Làng Thanh Châu thuộc đất Chiêm Động của Chiêm Thành.
Thời Hồ (1402), Hồ Hán Thương đã thân đem đại quân đánh Chiêm, vua Chiêm là Ba Đích Lại đã phải dâng đất Chiêm Động, Cổ Lũy. Vùng đất thuộc Amavati, hết sức quan trọng đối với Vương quốc Chăm Pa, nơi đây có kinh đô Trà Kiệu xưa – Simhapura; Khu đền tháp Mỹ Sơn – Srisanabhadresvara nơi thờ tự Thần; Phật viện Đồng Dương – Laksmindra – Lokaessvara thờ Phật – Vua; Và vùng Hội An có Lâm Ấp phố – phố của người Lâm Ấp/Chămpa và Đại Chiêm Hải Khẩu – Cửa Đại Chiêm – Cửa biển lớn, quan trọng bậc nhất của người Chăm. Nhà Hồ đã tiếp nhận, chia thành 4 Châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và lệnh di dân đến đây lập nghiệp. Như vậy lúc này làng Thanh Châu là phần đất thuộc phủ Thăng Hoa, trấn/dinh Quảng Nam.
Đến thời thuộc Minh (1407-1427), người Chàm chiếm lại đất này. Thời Lê Sơ, năm 1471 – Vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức năm thứ 2) đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào đất Chiêm Thành đánh chiếm thành Trà Bàn (tức là kinh thành Phật Thệ hay Vijaya), đặt chủ quyền đến tận núi Thạch Bi – Phú Yên ngày nay. Cũng vào năm Hồng Đức thứ 2, vua Lê lấy đất chiếm được, lập thành đạo thứ 13, tức Thừa Tuyên – Quảng Nam đạo (gồm Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa trước đây nay tái chiếm lại và phân đất mới chiếm), tổ chức di dân, lập quan cai trị và cho thiết lập bản đồ nhà nước Đại Việt cương giới phía Nam đến tận núi Thạch Bi. Theo dòng lịch sử đó, cư dân Đại Việt đã xuất hiện ở mảnh đất này ngay từ thế kỉ XV. Điều này được khẳng định qua tấm bia mộ tổ và gia phả của tộc Trần Văn ngày nay ghi như sau (tạm dịch): ông Lý, tức Trần Văn Lý viết: vào khoảng năm Hồng Đức – Lê Thánh Tông, ông đem theo vợ con tòng quân đánh Chiêm. Có công, ông lưu lại ở vùng ven biển. Ông tụ tập nhân dân, tìm nơi phù sa bồi đắp, lập làng lấy tên là Võng Nhi, sợ sau này con cháu không biết ông bà tổ tiên nên mới viết lời này để lưu về sau. Cảnh Thống nguyên niên, năm Mậu Ngọ (1498), ngày 10 tháng Giêng. Như vậy, có thể nói, tên gọi làng Võng Nhi chắc là tên gọi đầu tiên của làng xã người Việt trên mảnh đất này.
Đến cuối thế kỉ XVI đầu XVII, việc vào Nam tiếp nhận của Gia Dũ Hoàng Đế, Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên), với tư tưởng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã dẫn đến sự di dân khá ồ ạt của người Bắc vào Nam trong đó có mảnh đất Võng Nhi này. Sự gia tăng về dân số, đó là nguyên nhân cơ bản cho làng Thanh Châu rộng lớn ra đời thay thế cho làng Võng Nhi. Nhất là từ sau năm 1602: Sau khi Nguyễn Hoàng nhận chức trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) rồi kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam (năm 1570), thì lúc này (năm 1602) Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) quyết định đặt Dinh Trấn Quảng Nam, đánh dấu một mốc thời gian quan trọng đối với lịch sử di dân xuống phía Nam của dân tộc Đại Việt, đồng thời mở ra thời kỳ vận hội thăng hoa của cả xứ Quảng – Đàng Trong của lịch sử Việt Nam, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của làng Thanh Châu. Ở đây, kinh tế nông nghiệp không chiếm phần chủ đạo trong nền kinh tế của cả làng. Để phù hợp với những hoạt động trong lĩnh vực làm ăn, cư dân Thanh Châu đã tiến hành khai thác các nguồn sông biển, gắn bó với sông nước để đảm bảo nguồn sống của con người hay chăn nuôi mà còn đảm bảo nguồn lợi chủ yếu, thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, nghề đánh cá đã trở thành nghề thu nhập lớn thứ hai sau nông nghiệp. Bên cạnh đó, để đáp ứng cho cuộc sống ngày càng cao, họ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được trên môi trường sống sẵn có mà thiên nhiên đã ưu đãi. Cho nên trước đây khi mà thương cảng Hội An phồn thịnh, cư dân Thanh Châu còn chọn nghề đi ghe bầu chở hàng hoá đi khắp nơi. Đặc biệt, nghề khai thác yến sào đã đóng góp một phần không nhỏ cho cuộc sống người dân ở đây, giúp tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu giá trị cho Hội An – Đàng Trong – Việt Nam. Và thực tế, yến sào đã trở thành nguồn hàng xuất khẩu có giá trị nổi tiếng trên thương trường quốc tế.
Thời các chúa Nguyễn đến đầu triều Nguyễn, làng Thanh Châu thuộc Võng Nhi, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn của dinh Quảng Nam. Các hạng ruộng đất tư đang thực trưng của 3 giáp thuộc bổn xã là 367 mẫu 8 sào 3 thước 7 tấc.
Đến cuối thế kỷ XIX, dân cư ngày càng đông đúc, phát triển, làng Thanh Châu ngày càng được khai phá, mở rộng, tên làng Thanh Châu được nâng thành tổng Thanh Châu, thuộc huyện Hoà Vang (Hoà Vinh), phủ Điện Bàn, Quảng Nam trấn hay tỉnh của nước Đại Nam. Diện tích và dân cư gốc Thanh Châu được gọi là làng Thanh Đông, và phát triển thêm các làng mới dân cư cơ bản là gốc người làng Thanh Châu đến khai cơ lập nghiệp đó là làng Thanh Tây và làng Thanh Nam. Đến đầu thế kỷ XX làng Thanh Đông lại tách ra thành Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam. Thời kỳ kháng chiến chống pháp (1946-1954), xã Thanh Châu lúc đầu được đặt là khu 6 (Thanh Hiệp), sau là khu Đông, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ sau 1954, các làng Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam lập thành xã Cẩm Thanh, thuộc quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam. Các làng Thanh Tây, Thanh Nam thuộc về xã Cẩm Châu. Từ sau năm 1975 đến nay, xã Cẩm Thanh thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Tên làng gốc Thanh Châu xưa, Cẩm Thanh ngày nay, nhìn từ góc độ lịch sử – văn hóa – nhân văn, tuy đã phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh tàn phá ác liệt của cả 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng chúng ta vẫn dễ dàng nhận biết được nơi đây quả là vùng đất có bề dày, giàu truyền thống lịch sử văn hóa – nhân văn. Thông qua hơn 36 di tích, dấu tích gồm các loại hình khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng được xếp hạng, đưa vào danh mục (Quốc gia, tỉnh, thành phố), ở đây chúng ta có thể bắt gặp được những dấu tích của cư dân thời Tiền – Sơ sử (thuộc phức hệ nền văn hóa Sa Huỳnh cách này nay hơn 2000 năm); rồi di tích của cư dân Champa trong các di tích khảo cổ, giếng cổ hay những địa danh như Lăng/Lùm Bà, Bầu Đà, Trà Quân, Đồng Giá, Câu Dấp,… có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV. Trong giai đoạn những lưu dân Đại Việt từ phía Bắc hành tiến vào phương Nam lập nghiệp thì ngôi mộ Tổ tộc Trần ở Bầu Đà ngày nay được lập vào năm 1498, là di tích liên quan đến cư dân Đại Việt có niên đại sớm nhất ở Hội An (cho đến nay được biết). Nơi đây còn có ngôi mộ tổ Tộc Lê ở thôn Thanh Đông, lưu dấu một vị hoàng thân của triều Hậu Lê (hậu duệ của Vua Lê Lợi), do bị thất thế đã theo dòng người di dân vào đây lưu sống, lập nghiệp, góp phần khai hoang lập làng Thanh Châu. Dân làng Thanh Châu xưa (tức tên gọi Cẩm Thanh ngày nay) dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên đã sớm biết khai thác đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển lập làng chài kết hợp với làm ruộng nước, ruộng khô, chăn nuôi gia súc và trồng trọt rau màu để Thanh Châu trở nên một vùng quê nổi tiếng trù phú một thời trên vùng đất thương cảng quốc tế Faifo – Hội An. Ngoài ra còn rất nổi tiếng với nghề buôn ghe bầu và một nghề khá đặc biệt khác đó là nghề khai thác yến sào. Trai làng nơi đây xưa kia luôn được các Chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn trọng dụng, bổ sung vào những đội lính Trường Sa, Hoàng Sa chuyên khai thác tài nguyên trên biển Đông. Và do là nơi có vị trí hiểm yếu về quân sự, kinh tế nên từ thời các Chúa Nguyễn đến các triều đại phong kiến sau này dân làng Thanh Châu còn được giao nhiệm vụ cảnh giới tàu thuyền đi lại, ra vào vùng biển Cửa Đại – Hội An. Nhiều căn cứ thủy quân, bến tàu được thành lập tại đây, nhiều tướng lĩnh người Thanh Châu được giữ trọng trách và ghi công lớn trong quân đội của các triều đại phong kiến. Phải chăng, cũng bởi vai trò của vùng đất và người dân nơi đây mà Vua Quang Trung đã chọn người con gái tộc Trần (bà Trần Thị Quỵ) làng Thanh Châu làm Thứ phi, đồng thời bà cũng là cháu, con, em của các vị tướng trong một gia đình họ Trần (Thanh Châu) có công lớn trong việc phò vua Quang Trung khởi nghiệp, lên ngôi hoàng đế. Đồng thời có nhiều tướng lĩnh phò tá vua Gia Long, triều Nguyễn sau này. Ông Hồ Văn Hòa, giúp vua Gia Long dựng lại cơ nghiệp triều Nguyễn, sau được giao trọng trách tiếp tục phát triển nghề khai thác yến sào ở cả 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Đặc biệt trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, thống nhất tổ quốc, Cẩm Thanh từng là vùng căn cứ địa cách mạng của thị xã Hội An, và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Cẩm Thanh là địa phương sớm nhất ở Hội An, Quảng Nam được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân bởi có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng, với hơn 90% gia đình có công cách mạng và là địa phương có nhiều cá nhân nhất ở Hội An được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Với những đặc trưng về sinh cảnh, hệ sinh thái, truyền thống lịch sử – văn hóa, hơn nữa nơi đây còn là một trong những cái nôi, đồng thời góp phần làm phong phú cho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hội An với nhiều hình thức lễ nghi, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian,… còn được bảo tồn khá sinh động, khá độc đáo và hấp dẫn của một làng quê sinh thái – văn hóa đặc thù ven sông, cận biển ở miền Trung, Việt Nam³
[1] Lâm Ấp phố, Kinh đô Trà Kiệu,… của người Chàm hay Hội An Phố, dinh trấn Thanh Chiêm (dinh Quảng Nam) của người Việt.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bài viết liên quan

Vẻ đẹp yên bình của Làng Cẩm Thanh

Từ trung tâm Thành phố Hội An, ngoài đi bằng đường bộ, du khách còn có thể đến làng sinh thái Cẩm Thanh bằng đường thủy tại bến đò Hội An, xuôi về phía Đông chừng 5km. Trong ánh nắng yếu ớt một ngày cuối năm, Cẩm Thanh như một ốc đảo bình yên, tĩnh mịch […]

Đèn lồng Hội An – Nét đẹp truyền thống

Quảng Nam – Từ sự thích thú, say mê của du khách với đèn lồng, Hội An đã bắt tay vào làm du lịch bằng cách… hướng dẫn du khách làm đèn lồng. Khách Tây thích thú học làm đèn lồng Theo trang thông tin du lịch hàng đầu thế giới Tripadvisor, học làm lồng đèn […]

Trải nghiệm thú vị thuyền thúng ở rừng dừa Hội An

Thuyền thúng vốn là phương tiện đi lại thân thuộc của người dân ngày xưa. Là phương tiện để đánh bắt cá mưu sinh mỗi ngày Hình ảnh dân dã ấy đã có từ thời ông bà ta chèo thúng. Kèm theo đội nón lá ra khơi hay băng qua các dòng sông. Ngày nay, […]